Đối với thuốc là viên ngậm, phụ nữ có thai vẫn phải thật cẩn trọng khi dùng vì dược chất có thể hấp thu vào máu gây hại cho thai. Nhiều thuốc viên ngậm không được dùng cho thai phụ, trong đó có Tyrotab.
Thuốc viên ngậm có tác dụng tại chỗ nên nhiều người lựa chọn sử dụng, nhưng bạn nên cẩn thận với các loại thuốc viên ngậm này.
Thuốc viên ngậm được bào chế có mùi thơm, vị ngọt. Nhiều thuốc viên ngậm cho tác dụng tại chỗ nhưng các dược chất vẫn có thể được hấp thu vào máu (tuy ít) và cho tác dụng toàn thân, kể cả tác dụng phụ có hại.
Phụ nữ có thai là đối tượng phải hết sức thận trọng trong sử dụng thuốc vì chúng có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu (một số loại có thể gây ra quái thai, dị tật bẩm sinh…). Đối với thuốc là viên ngậm, phụ nữ có thai vẫn phải thật cẩn trọng khi dùng vì dược chất có thể hấp thu vào máu gây hại cho thai. Nhiều thuốc viên ngậm không được dùng cho thai phụ, trong đó có Tyrotab.
Tyrotab là thuốc viên ngậm chứa 2 dược chất là tyrothricin và tetracain. Riêng tyrothricin là kháng sinh thuộc nhóm polypeptid, có tác động kháng khuẩn tại chỗ, trị hiệu quả trên cầu khuẩn, trực khuẩn gram (+) và một số cầu khuẩn gram (-). Vì vậy, Tyrotab được dùng trị các nhiễm trùng ở miệng và họng, như viêm họng, viêm amiđan, viêm miệng, viêm lưỡi, viêm lợi, viêm quanh răng… Đối với phụ nữ có thai, tyrothricin được xếp vào thuốc thuộc loại D.
Năm 1979, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra hệ thống phân loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng xấu đối với thai gồm A, B, C, D và X như sau:
– Thuốc loại A là thuốc an toàn cho phụ nữ có thai (thậm chí axít folic còn tuyệt đối cần thiết, nếu thiếu có thể gây dị tật cho thai nhi).
– Thuốc loại X là thuốc rất có hại, tuyệt đối không dùng, tức chống chỉ định cho thai phụ (thí dụ, thuốc trị ung thư hay thuốc trị mụn trứng cá isotretinoin vì sinh quái thai).
– Ba loại B, C, D là các thuốc bác sĩ có thể chỉ định cho phụ nữ có thai trong trường hợp cần thiết, phải cân nhắc giữa lợi ích điều trị và nguy cơ gây hại, đặc biệt lợi ích điều trị phải chứng tỏ là lớn hơn và quá cần thiết. Trong đó, thuốc loại B an toàn hơn C và D. Nghĩa là thuốc loại C nếu bắt buộc dùng phải cân nhắc kỹ hơn thuốc loại B và thuốc loại D thì tốt nhất là không nên dùng (vì kế cận với mức X).
Tyrothricin thuộc loại D và đối với thai phụ, không có trường hợp nào quá sức cần thiết phải dùng viên ngậm loại này. Vì vậy, phụ nữ không nên dùng Tyrotab trong suốt thời gian mang thai là tốt nhất. Trong trường hợp cần điều trị nhiễm trùng vùng miệng, họng, bệnh nhân nên đi khám để bác sĩ xác định nguyên nhân và chọn phương cách an toàn.
Tóm lại, dùng thuốc cho thai phụ phải hết sức thận trọng. Thai phụ không được tự ý dùng thuốc mà nên để bác sĩ khám và cho toa. Bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ trong lựa chọn thuốc và chỉ định thuốc dựa trên y học chứng cứ, tức là đã được chứng minh an toàn hoặc chứng minh có lợi ích điều trị cao hơn so với nguy cơ gây hại đối với phụ nữ có thai.