Nhiễm trùng máu đặc biệt nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dẫn đến các biến chứng nặng về tuần hoàn, hô hấp, rối loạn đông máu, suy gan thận và các tạng khác.
Nhiễm khuẩn huyết hay còn gọi nhiễm trùng máu là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhưng rất khó chẩn đoán.
Theo các chuyên gia y tế, nhiễm trùng máu là một trong những hội chứng lâm sàng nghiêm trọng và nguy hiểm, vi sinh vật gây bệnh không còn khu trú tại một cơ quan tổn thương ban đầu mà theo đường máu lan đi khắp cơ thể. Lúc này, người bệnh phải nhập viện để được săn sóc đặc biệt, dù vậy tỷ lệ tử vong rất cao.
Nguyên nhân của nhiễm trùng máu phần lớn do các vi khuẩn Gram âm gây ra, tụ cầu, phế cầu và các vi khuẩn Gram dương khác thì ít gặp hơn. Nhiễm trùng máu đặc biệt nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dẫn đến các biến chứng nặng về tuần hoàn, hô hấp, rối loạn đông máu, suy gan thận và các tạng khác.
Ảnh minh họa
Triệu chứng nhiễm trùng máu dễ nhận biết nhất: sốt cao trên 38.5 độ, tiểu cầu giảm, tiểu ít, đau đầu, mệt mỏi, khó thở do chức năng tim suy giảm và một số biểu hiện lâm sàng khác.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh nhiễm trùng máu
Bệnh nhiễm trùng máu thường có biểu hiện ban đầu “đội lốt” dưới dạng một loại viêm nhiễm như cảm cúm, viêm họng… Nếu một đứa trẻ hoặc người trưởng thành nhiễm bất kỳ loại viêm nào, đơn giản là cảm cúm, và kèm theo một trong những dấu hiệu dưới đây, nên đi khám bác sĩ ngay.
– Ớn lạnh bất thường
– Sốt cao trên 38,5 độ
– Thở gấp hoặc khó thở
– Li bì, hôn mê
– Không thể đi tiểu trong 12 giờ
– Nổi ban, da tái xanh hoặc tím tái
– Buồn nôn và tiêu chảy
– Buồn ngủ hoặc lơ mơ
Điều trị
Đầu tháng 12/2017, các bác sĩ Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vừa ứng dụng thêm một chỉ số huyết học nâng cao trong xét nghiệm là đếm số lượng bạch cầu hạt chưa trưởng thành (IG) trong chẩn đoán nhiễm trùng huyết. Các nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ số IG giúp chẩn đoán sớm và nhanh tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bệnh có đáp ứng viêm hệ thống (SIRS).
Để phát hiện bệnh sớm và phân biệt chính xác tình trạng viêm có phải do nhiễm trùng máu hay không là một thách thức với y học hiện nay, đặc biệt ở khâu xét nghiệm. Các bác sĩ kỳ vọng việc ứng dụng xét nghiệm theo chỉ số IG giúp phát hiện nhiễm trùng máu nhanh hơn, nhờ đó giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
Nhìn chung với sự xuất hiện của các loại kháng sinh mới, có tác dụng rộng và phương tiện hồi sức tốt, chẩn đoán kịp thời, hiện nay bệnh nhiễm trùng máu đã giảm được tỷ lệ tử vong đáng kể.