Khàn tiếng có thể là một tình huống cấp tính của tắc nghẽn thanh quản, gây nguy hiểm tức thời đòi hỏi phải giải quyết cấp cứu như sốc phản vệ, bỏng đường hô hấp, dị vật, bệnh bạch hầu thanh quản… nhưng phần lớn đa số lành tính có thể can thiệp sớm mang lại hiệu quả cao.
Khàn tiếng là tình trạng thay đổi âm sắc giọng nói làm cho người bệnh mất tiếng, nói không được, hụt hơi, nhanh mệt, thậm chí mất hẳn giọng nói. Khàn tiếng dễ xảy ra nhưng người bệnh không được chủ quan vì trong một số trường hợp nhất định thì khàn tiếng lại là dấu hiệu sớm của một bệnh lý ác tính.
Khàn tiếng do đâu?
Khàn tiếng hay đôi khi mất tiếng thực chất là sự tổn thương của thanh quản: thanh quản bị sưng, phù nề,… dẫn đến âm thanh phát ra thay đổi. Khàn tiếng có thể do các yếu tố sau:
Thời tiết thay đổi thất thường, nhất là khi chuyển sang lạnh gây ra các bệnh cảm cúm, sổ mũi, viêm họng, nhiều khi kèm theo việc khản tiếng ảnh hưởng đến việc giao tiếp rất nhiều.
Nghề phải nói nhiều: ca sĩ, diễn viên, giáo viên, nghệ sĩ kịch, cải lương, buôn bán, marketing…do đặc trưng công việc mà họ phải phát ra âm thanh nhiều, nếu quá mức sẽ gây ra tổn thương dây thanh quản dẫn đến tình trạng khàn tiếng, mất tiếng, viêm họng,…
Những người sử dụng nhiều chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá,…
Những người mắc các bệnh về đường hô hấp kéo dài như: viêm xoang, viêm amidan, làm cho dây thanh bị viêm nề, sung huyết gây khàn tiếng. Các trường hợp này cũng là đối tượng thường xuyên bị thay đổi giọng nói…
Nguyên nhân gây khàn tiếng có nguyên do từ bệnh lý ở thanh quản như: Viêm thanh quản cấp tính: viêm thanh quản do virut, viêm thanh quản do vi khuẩn, viêm nắp thanh quản cấp tính, viêm phế quản do vi khuẩn. Viêm thanh quản mạn tính: khói thuốc lá tiếp xúc: kích thích và gây viêm thanh quản phù nề dây thanh âm.
Khàn tiếng có thể là một tình huống cấp tính của tắc nghẽn thanh quản, gây nguy hiểm tức thời đòi hỏi phải giải quyết cấp cứu như sốc phản vệ, bỏng đường hô hấp, dị vật, bệnh bạch hầu thanh quản… nhưng phần lớn đa số lành tính có thể can thiệp sớm mang lại hiệu quả cao.
Những người bị viêm dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản… cũng thường hay bị khàn tiếng do dịch acid trào ngược làm viêm nề, sung huyết thanh quản gây ra khàn tiếng.
Khàn tiếng là triệu chứng hay gặp ở người bị bệnh lý thực thể tại dây thanh như: hạt xơ, polyp, u nang, rãnh dây thanh…
Khàn tiếng là một biểu hiện của nhiều bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, trong đó có ung thư thanh quản.
Khàn tiếng là một biểu hiện của nhiều bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, trong đó có ung thư thanh quản.
Có thể tự chăm sóc khàn tiếng tại nhà
Khàn tiếng có thể diễn ra trong khoảng thời gian ngắn (cấp tính) hoặc lâu dài (mạn tính). Trường hợp bị khàn tiếng nên kiên nhẫn bởi vì quá trình chữa bệnh có thể mất vài ngày đến vài tuần. Nên nghỉ ngơi và theo thời gian có thể cải thiện khàn giọng. Không khóc, la hét và nói quá nhiều hoặc hát to có thể làm cho khàn tiếng nhiều hơn. Hạn chế nói chuyện, trừ khi bạn cần thiết phải nói và tránh thì thầm. Thì thầm có thể làm căng các dây thanh âm nhiều hơn là nói. Tránh dùng thuốc chống sung huyết như để thông mũi, vì thuốc thông mũi làm khô dây thanh âm và kéo dài tình trạng khàn tiếng. Nên giảm bớt hoặc ngừng hút thuốc (thuốc và rượu đều là chất kích thích, rượu còn làm mất nước). Giảm dùng caffeine. Làm ẩm không khí với bình phun hơi nước, uống nước đầy đủ có thể giảm phần nào khàn tiếng.
Khàn tiếng có thể là tình trạng cấp tính. Thông thường theo thời gian, tình trạng bệnh giảm dần. Nhưng nếu thấy khan tiếng ngày một nặng hơn và kèm các dấu hiệu sau đây thì cần đi khám ngay: Khó thở hoặc khó nuốt. Khàn giọng kèm theo chảy nước dãi, nước mũi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Khàn giọng kéo dài hơn 1 tuần đối với trẻ em, hoặc 3 tuần đối với người lớn. Bất kỳ bệnh nhân bị khàn giọng kéo dài trên 3 tuần không rõ nguyên nhân cần khám và xét nghiệm để loại trừ bệnh ác tính.
Coi chừng khàn tiếng có thể là dấu hiệu bệnh ác tính
Có nhiều bệnh lý ác tính gây ra khàn tiếng như: ung thư thanh quản, ung thư tuyến giáp, ung thư trung thất…
Các bệnh ác tính này thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng, đến khi bệnh ảnh hưởng tới cấu trúc hay sự di động của thanh quản thì mới biểu hiện ra bằng khàn tiếng. Khàn tiếng ở những bệnh nhân có các bệnh lý u ác tính này thường có đặc điểm chung là khàn tiếng liên tục, uống thuốc mãi không hết khàn tiếng, mà khàn tiếng lại ngày càng tăng thêm, nói nhanh mệt, hụt hơi, nói không ra tiếng. Đặc biệt với ung thư thanh quản giai đoạn sớm chỉ có một dấu hiệu duy nhất là khàn tiếng. Dấu hiệu khàn tiếng này có thể kéo dài nhiều tháng rồi mới xuất hiện các dấu hiệu khác như: khó thở, ho máu, nuốt đau… giống như trong bệnh ung thư tuyến giáp, ung thư trung thất, ung thư đỉnh phổi… Nhiều người bị bệnh mà không hề hay biết gì cho đến khi bị khàn tiếng đi khám mới phát hiện ra bị ung thư gây liệt một bên cơ quan phát âm.
Điều trị khàn tiếng thế nào?
Việc điều trị sẽ dựa vào những nguyên nhân gây bệnh. Các biện pháp không cần phẫu thuật là giải pháp chữa trị được chọn lựa đầu tiên đối với hầu hết các trường hợp khàn tiếng có tổn thương lành tính của thanh quản.
Khi có viêm nhiễm đường hô hấp trên cần đi khám để bác sĩ cho các thuốc nếu cần thiết như: loãng đờm, giảm viêm, chống phù nề… Cần lưu ý hạn chế khạc nhổ mạnh làm tăng sự phù nề của thanh quản. Điều trị trào ngược dạ dày – thực quản (nếu nghi ngờ).
Trong trường hợp có các tổn thương lành tính như: hạt xơ, u nang, polyp… người bệnh sẽ được tư vấn làm phẫu thuật nội soi vi phẫu thanh quản để lấy bỏ tổn thương.
Luyện âm: bác sĩ sẽ hướng dẫn các kỹ thuật để giảm thiểu các hành vi có hại và những cách thức để đạt được hiệu quả phát âm tốt. Bao gồm: kỹ thuật vệ sinh thanh âm, thư giãn và hít thở, các bài tập luyện âm (gồm các bài tập để tăng cường các dây thanh âm, giúp thư giãn và tập thở và các bài tập nhằm cải thiện).
Trong trường hợp có những tổn thương ác tính như: ung thư thanh quản, ung hư hạ họng, ung thư thực quản, ung thư tuyến giáp, ung thư trung thất, ung thư phổi…người bệnh sẽ được tư vấn kiểm tra sâu thêm để đánh giá tình trạng và tìm phương pháp điều trị kịp thời và sớm nhất.