Vì một lý do nào đó (sỏi mật, viêm xơ đường mật, dị dạng đường mật bẩm sinh…) làm dòng mật tắc nghẽn, ứ đọng lại trong gan và phá hủy các tế bào gan gây viêm gan ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của bạn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tắc mật, túi mật phình to, đường mật giãn lớn, từ đó gây ra những cơn đau, sốt lạnh, da vàng…
Vì một lý do nào đó (sỏi mật, viêm xơ đường mật, dị dạng đường mật bẩm sinh…) làm dòng mật tắc nghẽn, ứ đọng lại trong gan và phá hủy các tế bào gan gây viêm gan ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của bạn. Để phòng ngừa bệnh tắc mật, vấn đề chủ yếu là xây dựng khẩu phần ăn hợp lý, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và trên hết là thực hiện chế độ ăn khoa học như sau:
1. Giảm mỡ và chất béo:
Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa và mỡ động vật, vì chất này ảnh hưởng đến chức năng gan, mật và dạ dày. Khi ăn nhiều mỡ, mật xuống ruột sẽ không đều, kích thích túi mật co bóp quá mạnh, một phần mật tham gia cùng cholesterol tạo sỏi. Nếu cholesterol quá nhiều, các acid mật không đủ sức hòa tan thì nó sẽ kết tinh và đọng lại thành sỏi mật. Hầu như các sỏi đều được hình thành từ các cặn sỏi là cholesterol này. Và những sỏi mật đó sẽ gây ra bệnh tắc mật đe dọa sức khỏe của ta.
Câu hỏi được đặt ra: Ăn bao nhiêu cholesterol là đủ? Đến nay chưa có câu trả lời chính xác và chưa có một ước lượng quy chuẩn nào, nhưng các bác sĩ đã khuyến cáo là không nên lạm dụng những loại thực phẩm này. Các thực phẩm giàu cholesterol gồm: lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật như tim, gan, óc…
2. Tăng đạm:
Ta cần tăng lượng đạm cung cấp cho cơ thể để gia tăng sự tái tạo của các tế bào gan đã bị tổn thương nhằm chống thoái hóa mỡ tế bào gan.
3. Thực phẩm giàu đường bột và chất xơ:
Đường bột là loại thức ăn rất dễ tiêu, lại không ảnh hưởng đến sự bài tiết mật, còn chất xơ có tác dụng giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và tránh táo bón. Vậy nên dùng các thức ăn giàu đường bột và chất xơ sẽ giúp ta ngăn ngừa, phòng chống bệnh tắc mật.
4. Thức ăn không nên dùng:
Bên cạnh việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, ta cũng cần lưu ý không nên dùng những loại thực phẩm như: trà, cà phê, cacao, chocolate, thịt cá nhiều mỡ, dầu cọ, dầu dừa, phủ tạng động vật, hạn chế ăn lòng đỏ trứng.
5. Thức ăn nên dùng:
Dùng thực phẩm giàu vitamin C và nhóm B bằng việc đưa vào khẩu phần ăn các loại rau, hoa quả tươi, nước hoa quả, bánh kẹo ít trứng bơ, các loại thịt, cá nạc (nạc thăn lợn, thịt bò, cá quả, cá chép), các loại đậu (đậu tương, đậu xanh, đậu đen), đây là những thực phẩm rất tốt cho cơ thể. Ngoài ra, có một số thức ăn lợi mật như: nghệ, lá chanh, ta có thể dùng được. Bên cạnh đó, để kích thích túi mật co bóp nhẹ nhàng, có thể dùng một ít chất béo dễ tiêu như: bơ, dầu thảo mộc sống, mỡ gà, vịt.
6. Cần tăng thêm vận động thể lực:
Khi vận động thể lực sẽ làm tăng hoạt động cơ, tăng nhu động mật, giảm sự ứ trệ mật. Nó giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa và giảm hẳn nguy cơ tắc mật. Các môn thể thao như: đi bộ, chạy chậm, tập dưỡng sinh là những môn thể thao tốt với mọi lứa tuổi. Nếu có thể, buổi sáng bạn nên vận động 30 phút, buổi chiều vận động 30 phút.
bệnh tắc mật, bệnh sỏi mật, các bệnh về đường tiêu hóa, sức khỏe, phòng chống bệnh tắc mật, cách trị bệnh sỏi mật, chăm sóc sức khỏe
Ngoài ra, ta phải đảm bảo ăn 3 bữa mỗi ngày, không nên nhịn ăn sáng, có như thế thì mật sẽ được tiết ra liên tục và không thể lắng đọng tạo sỏi gây ra bệnh tắc mật.