Muốn điều trị và phòng bệnh tốt, cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt; tốt nhất là khám ở chuyên khoa tiêu hóa để xác định nguyên nhân và điều trị dứt điểm ngay từ đầu không để bệnh trở thành mạn tính. Cần vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, bảo quản đến khâu chế biến.
Đau thắt phần bụng là triệu chứng điển hình của triệu chứng viêm đại tràng. Các cơn đau thắt có thể xuất hiện sau khi ăn no, hoặc ăn những loại thực phẩm lạ, chua, cay, mặn…
Viêm đại tràng co thắt hay còn gọi là viêm đại tràng kích thích hoặc viêm đại tràng mạn tính, là bệnh thường gặp ở người cao tuổi (NCT). Bệnh này gồm nhiều triệu chứng khác nhau nên người ta thường gọi là hội chứng viêm đại tràng co thắt.
Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt
Triệu chứng điển hình nhất của viêm đại tràng co thắt ở NCT là đau bụng. Đau bụng trong bệnh viêm đại tràng co thắt rất đa dạng, có thể đau sau ăn, có thể đau khi ăn no, đặc biệt là đau sau khi ăn một số thức ăn lạ, chua, cay, lạnh, rau sống, tiết canh…
Kiểu đau như vậy là nỗi ám ảnh của hầu hết NCT bị viêm đại tràng co thắt, do đó không dám ăn những thức ăn có dạng như vậy. Viêm đại tràng co thắt thường đau vùng bụng ở dưới rốn, đau quặn, ợ hơi, đầy bụng, trướng hơi, khó tiêu (dễ nhầm với đau dạ dày). Hầu hết người bệnh kể rằng sẽ hết cơn đau bụng sau khi đi đại tiện.
Tuy vậy cũng có nhiều NCT viêm đại tràng co thắt mạn tính thì vừa đi ngoài xong chưa vào đến phòng nghỉ đã xuất hiện cơn đau quặn bụng khác khiến buồn đi ngoài tiếp.
Viêm đại tràng co thắt kéo dài nhiều ngày nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nên người bị viêm đại tràng co thắt thường gầy xanh, thậm chí bị suy kiệt do thiếu chất dinh dưỡng, do thiếu nước và chất điện giải, thêm vào đó là nỗi buồn phiền lo lắng về bệnh tật.
Người bị bệnh viêm đại tràng co thắt bị ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống (không thoải mái, kiêng khem quá mức, hay cáu gắt hoặc hay nổi nóng, lúc nào cũng lo đến bệnh tật của mình).
Điều trị và phòng bệnh
Muốn điều trị và phòng bệnh tốt, cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt; tốt nhất là khám ở chuyên khoa tiêu hóa để xác định nguyên nhân và điều trị dứt điểm ngay từ đầu không để bệnh trở thành mạn tính. Cần vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, bảo quản đến khâu chế biến.
Những loại thức ăn nào dễ gây viêm đại tràng co thắt thì cần tránh dùng hoặc dùng rất hạn chế. Không nên lạm dụng gia vị, rượu, bia, gia vị chua, cay trong các bữa ăn cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Không ăn các loại thực phẩm còn tươi sống (rau sống, nem cua, nem chạo, tiết canh, lòng lợn, gỏi cá…).
Cần vệ sinh tốt môi trường sống. Tinh thần luôn thoải mái, không nên quá lo lắng về bệnh của mình. Nên tập thể dục đều đặn với các hình thức phù hợp với bản thân và dễ thực hiện nhất.