Bệnh viêm loét dạ dày và viêm loét tá tràng y học cổ truyền đều xếp vào chứng vị quản thống. Nguyên nhân bệnh là do tình chí bị kích thích.
Bệnh viêm loét dạ dày và viêm loét tá tràng y học cổ truyền đều xếp vào chứng vị quản thống. Nguyên nhân bệnh là do tình chí bị kích thích; can khí uất kết mất khả năng sơ tiết làm rối loạn khí cơ thăng thanh giáng trọc của tỳ vị gây nên chứng đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, nôn…; hoặc do ăn uống thất thường làm tỳ vị tổn thương mất khả năng kiện vận; do hàn tà xâm nhập gây khí trệ huyết ứ gây đau vùng thượng vị ợ hơi, ợ chua… Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh.
Viêm loét dạ dày tá tràng do hàn tà phạm vị
Người bệnh đau vùng dạ dày, sợ lạnh, gặp lạnh đau tăng, chườm ấm, uống ăn ấm đỡ đau, thích ăn uống ấm. Rêu lưỡi trắng, mạch huyền khẩn. Phép điều trị là ôn trung kiện tỳ. Dùng một trong các bài:
Bài 1: Hoàng kỳ kiến trung thang: hoàng kỳ 16g, quế chi 8g, sinh khương 6g, bạch thược 8g, cam thảo 6g, cao lương khương 6g, hương phụ 8g, đại táo 12g. Sắc uống.
Bài 2: bố chính sâm 12g, bán hạ chế 6g, lá khôi 20g, sa nhân 10g, gừng 4g, trần bì 6g, nam mộc hương 10g. Sắc uống.
Bài 3: Lương phụ hoàn: cao lương khương, hương phụ lượng bằng nhau đem tán mịn. Mỗi lần uống 6g với nước ấm, ngày 2 lần.
Viêm loét dạ dày tá tràng do ăn uống đình trệ
Biểu hiện: Người bệnh đau vùng dạ dày, cảm giác đầy khó tiêu, ợ hợi ợ chua hoặc nôn, có khi tiện bí, rêu lưỡi dày nhờ, mạch hoạt. Phép điều trị là tiêu thực đạo trệ. Dùng một trong các bài:
Bảo hòa hoàn: sơn tra 12g, trần bì 8g, phục linh 12g, thần khúc 12g, bán hạ 10g, liên kiều 8g. Sắc uống.
Viêm loét dạ dày tá tràng do can khí phạm vị
Người bệnh đầy trướng đau tức vùng dạ dày, đau từ dạ dày lan đến sườn, ợ hơi, hay bực bội cáu giận vô cớ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền. Phép điều trị là sơ can lý khí.
Bài thuốc Sài hồ sơ can tán: sài hồ 10g, hương phụ 12g, chỉ sác 8g, bạch thược 12g, trần bì 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Nếu can vị uất nhiệt: biểu hiện đau nóng vùng dạ dày, phiền táo bực bội, ợ chua cồn cào, họng khô miệng đắng, lưỡi đỏ rêu vàng.
Dùng bài Hòa can tiễn kết hợp tả kim hoàn: trần bì 8g, bạch thược 12g, chi tử 8g, thanh bì 8g, đan bì 8g, hoàng liên 8g, ngô thù 6g. Sắc uống.
Nếu vị âm hư nhiều: biểu hiện đau âm ỉ, họng khô ráo, lưỡi đỏ, mạch tế.
Dùng bài Nhất quán tiễn hợp thược dược cam thảo thang: sa sâm 12g, sinh địa 12g, đương qui 10g, mạch môn 10g, kỷ tử 12g, xuyên luyện tử 8g, thược dược 12g, cam thảo 4g. Sắc uống.