Ung thư da thường phát triểm chậm, không mang lại cảm giác đau và thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng như mặt, cổ, gáy, tay, chân…
Khi thấy những triệu chứng như dưới đây bạn chớ chủ quan vì có thể bạn đã bị ung thư da và cần đến bác sĩ kiểm tra ngay khi chưa muộn.
Hơn một tháng nay, chị Hải bỗng thấy vùng cổ của mình nổi một khối u nhỏ, cứng và rất ngứa. Nghĩ chỉ là cái mụn nhỏ, nên chị cũng không quan lắm. Chỉ đến khi những khối u khác tiếp tục mọc ra, ngứa ngáy dữ dội, chị mới đến Bệnh viện da liễu để khám. Tại đây chị hoang mang khi bác sỹ bảo chị bị ung thư da, cần phải điều trị…
Nguyên nhân ung thư da
Cho đến trước khi bác sỹ thông báo kết quả, chị Hải không thể hiểu được vì sao mình lại bị ung thư da – một loại bệnh mà chị chưa bao giờ được nghe chứ đừng nói đến việc mình có thể nhiễm, cũng như mắc bệnh này lại nguy hiểm đến vậy.
Theo bác sỹ thì da người được phân thành 2 lớp là biểu bì và hạ bì. Da có chức năng chính là bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương, ngừa độc tố, điều hòa thân nhiệt và loại bỏ chất thải thông qua tuyến mồ hôi.
Trong đó, biểu bì là phần ngoài cùng, tiếp giáp trực tiếp với môi trường, được cấu tạo bởi 3 loại tế bào là tế bào sừng, tế bào hắc tố và tế bào tròn.
Khi phát hiện những bãi đỏ lan rộng dưới cổ bạn chớ chủ quan vì có thể bạn đã có những dấu hiệu của ung thư da (Ảnh minh họa)
Các nguyên nhân chính gây ra ung thư da được các nhà khoa học công bố gồm:
Tia tử ngoại gây ung thư da
Các tia tử UV trong ánh nắng mặt trời là thủ phạm chính của bệnh ung thư da. Việc tiếp xúc trực tiếp với tia UV quá nhiều ở trẻ em có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng nhưng không biểu hiện ra ngoài sau nhiều nhiều năm. Dường như hầu hết các tổn thương về da từ tia bức xạ tử ngoại (cực tím) thường xảy ra trước tuổi 20, do đó việc phơi nắng quá lâu được tích tụ trong nhiều năm có thể dẫn đến việc phát triển ung thư da trên các tế bào đáy và các lớp tế bào có vẩy.
Cũng theo các bác sỹ, những người có làn da da nâu và đen thường ít có nguy cơ phát triển ung thư da vì hắc tố màu trong da họ đã mang đến cho họ sự bảo vệ tự nhiên. Những người có làn da mịn có chiều hướng chuyển sang đỏ hoặc xuất hiện những nốt tàn nhang khi đi nắng sẽ có nguy cơ cao nhất về bệnh này. Trẻ em và những người trẻ tuổi có thói quen phơi nắng lâu dưới ánh nắng mặt trời sẽ có nguy cơ cao về sự phát triển khả năng ung thư da. Các dấu hiệu sẽ không biểu hiện ngay mà thông thường là sau tuổi 40 nhưng cũng không quá những năm của tuổi 60 và 70.
Tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo có thể ung thư da
Việc thường xuyên sử dụng đèn chiếu sáng trên sân khấu và đèn ngủ cũng có thể tăng khả năng phát triển ung thư da.
Những tổn thương về da có thể gây ra ung thư da
Những vùng da đã từng bị bỏng hoặc có thời gian dài bị viêm nhiễm có nguy cơ cao trong việc phát triển ung thư biểu bì tế bào có vảy.
Ung thư da do yếu tố di truyền
Một số người do yếu tố di truyền hiếm gặp có nguy cơ ung thư da cao hơn. Tuy nhiên, ung thư da không ác tính không được hình thành bởi lỗi gen di truyền do đó không thể truyền cho các thành viên khác trong gia đình bạn, vì vậy các thành viên khác trong gia đình bạn không thuộc đối tượng có nguy cơ cao về phát triển ung thư da.
Ngoài những nguyên nhân trên, theo các bác sỹ thì khi tiếp xúc với các hóa chất như: Than, nhựa đường, khói muội, dầu hoả, dẫn suất xăng dầu, thuốc nhuộm tóc, lọc dầu và thạch tín… nhiều cũng có thể gây ra bệnh ung thư da
Triệu chứng báo hiệu bệnh ung thư da
Ung thư da thường phát triểm chậm, không mang lại cảm giác đau và thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng như mặt, cổ, gáy, tay, chân… với các dạng sau:
Ung thư tế bào đáy
Ung thư tế bào đáy thường biểu hiện dưới dạng như xuất một u bướu nhỏ trên da, da lồi, giáp, chảy máu, hình thành vảy cứng, có chấm đỏ, ngứa… Thậm chí, trước khi phát bệnh, chúng ta hoàn toàn không hề phát hiện biểu hiện bất thường trên da.
Ung thư biểu bì tế bào vảy
Thường xuất hiện vảy, đôi khi rất cứng, có vảy sừng nhưng khi chạm vào lại thấy mềm. Những vùng ung thư thường xuất hiện ở các cùng da bị tổn thương bởi tia UV như mặt, cổ, vùng da đầu không có tóc, cánh tay, mu bàn tay, mu bàn chân.
Ngoài những triệu chứng trên, khi thấy ở vùng da nào đó có những biểu hiện không bình thường mà nó không mất đi trong vòng một tháng, bạn nên đến bác sỹ để kiểm tra.
Cách điều trị ung thư da
Các biện pháp điều trị ung thư và sang thương tiền ung thư da thay đổi tuỳ theo kích thước, phân loại, độ ăn sâu và vị trí của một hoặc nhiều sang thương. Hầu hết đều dùng biện pháp vô cảm tại chỗ và điều trị ngoại trú, nhưng đôi khi chỉ thực hiện sinh thiết sang thương.
Một số phương pháp thường dùng điều trị ung thư da như sau:
Đông lạnh: Người ta có thể phá huỷ các tế bào dày sừng hoặc các ung thư nhỏ giai đoạn sớm bằng cách làm đông lạnh chúng với ni-tơ lỏng. Mô chết sẽ bị tróc ra sau khi giải đông. Biện pháp này cũng có thể dùng để điều trị các vết sẹo trắng nhỏ.
Phẫu thuật: Áp dụng cho tất cả các loại ung thư da. Bác sĩ cắt bỏ mô ung thư và bao phủ vùng bị cắt bởi mô da bình thường. Ung thư tế bào hắc tố thường phải khoét rộng hơn do mô ung thư ăn sâu hơn. Phẫu thuật viên cần phải có kinh nghiệm phục hình da để tránh sẹo xâu nhất là vùng da mặt.
Điều trị bằng laser: Chùm sáng năng lượng cao và được điều khiển rất chính xác có thể ngăn chặn, phá huỷ vùng mô bệnh và một khu vực nhỏ mô bao quanh với khả năng chảy máu, sưng tấy cũng như sẹo xấu rất thấp. Thường sử dụng biện pháp này cho các sang thương ung thư và tiền ung thư bề mặt, ngay cả ở môi.
Phẫu thuật Moh: Dùng cho các sang thương ung thư da lớn hơn, tái phát hoặc khó điều trị, cho cả loại ung thư tế bào đáy và tế bào sừng. Phẫu thuật cắt bỏ từng lớp da bị ung thư, kiểm tra dần từng lớp bên dưới cho đến lớp tế bào lành. Không gây nhiều tổn thương cho vùng da bình thường xung quanh.
Nạo và đông khô tế bào bằng xung điện
Xạ trị: Dùng tia phóng xạ điều trị mỗi ngày, thường kéo dài khoảng 1 – 4 tuần, có thể phá huỷ các tế bào đáy hoặc sừng ung thư nếu không có chỉ định phẫu thuật.
Hoá trị liệu: Trong phương pháp này, người ta dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây nguy hại cho tế bào bình thường. Thuốc có thể dùng thoa tại chỗ hoặc dùng đường uống, chích tĩnh mạch.
Các phương pháp đang còn nghiên cứu: Quang động học; liệu pháp sinh học (còn gọi là miễn dịch liệu pháp)…