Có nhiều loại thuốc gây hại cơ quan tiêu hóa, trong đó có cả thuốc điều trị bệnh đường tiêu hóa. Vậy đó là những loại thuốc nào?
Cơ quan tiêu hóa là nơi tiếp nhận thuốc đầu tiên qua đường uống. Vì vậy, hệ tiêu hóa cũng là nơi đầu tiên chịu tác động của thuốc. Có nhiều loại thuốc gây hại cơ quan tiêu hóa, trong đó có cả thuốc điều trị bệnh đường tiêu hóa. Vậy đó là những loại thuốc nào?
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Các loại thuốc này làm thành một hàng rào ngăn cản tác dụng của acid, pepsin và mật (các yếu tố gây loét) để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày thường dùng gồm: sucralfat, bismuth, prostaglandin…
Thuốc thuộc nhóm sucralfat như nhôm saccharose sulfat rất ít hấp thu qua ống tiêu hóa nên tác dụng không mong muốn xảy ra chủ yếu là do chất nhôm nên thường gặp nhất là triệu chứng táo bón, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu và khô miệng…
Thuốc thuộc nhóm bismuth thường dùng dưới dạng subcitrat hoặc citrat, ngoài tác dụng diệt vi khuẩn Helicobacter pylori hiện diện trong dạ dày, bismuth còn có tác dụng băng se, bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi sử dụng nhóm thuốc này, một số tác dụng không mong muốn gây hại về tiêu hóa có thể xảy ra nhưng thường chỉ nhẹ và thoáng qua như: buồn nôn, nôn, đi đại tiện phân lỏng và có màu đen.
Thuốc thuộc nhóm prostaglandin gây các tác hại khó chịu về tiêu hóa cho người sử dụng thuốc như: gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy…
Lạm dụng thuốc điều chỉnh nhu động ruột có thể gây táo bón.
Thuốc chống tiết acid chlorhydric (HCl)
Thuốc chống tiết HCl gồm thuốc ức chế bơm proton và thuốc ức chế histamin H2.
Thuốc ức chế bơm proton như omeprazol, lansoprazol… có tác dụng ức chế rất mạnh đến việc tiết HCl nhưng các thuốc này đều gây ra những tác dụng phụ ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, trướng bụng, tiêu chảy…
Thuốc ức chế histamin H2 như cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin… Những loại thuốc này có thể gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón thoáng qua và tự khỏi mà không cần can thiệp.
Thuốc trung hòa acid chlorhydric (HCl)
Thuốc trung hòa HCl thường được sử dụng hiện nay là các thuốc nhôm hydroxyd, magnesie hydroxyd, nhôm phosphat, calci carbonat. Các loại thuốc này ngoài tác dụng tích cực trong việc trung hòa acid dạ dày, sau khi ngừng dùng chúng có thể gây tăng tiết gastrin làm cho dịch vị acid tăng trở lại. Các loại thuốc có muối nhôm hay gây táo bón, ngược lại, các loại thuốc có muối magnesie lại gây ra tiêu chảy. Vì vậy, trong công thức điều trị thường phải phối hợp cả hai loại muối này.
Thuốc điều chỉnh nhu động ruột
Thuốc điều chỉnh nhu động ống tiêu hóa gồm thuốc kích thích nhu động đường tiêu hóa và thuốc kìm hãm nhu động ruột. Khi dùng để điều trị bệnh đường tiêu hóa, chúng có thể gây nên một số tác dụng không mong muốn.
Thuốc kích thích nhu động đường tiêu hóa có 3 loại thông dụng hiện nay là metoclopropamid, metoclopramide, cisapride. Những thuốc này ít gây tác dụng không mong muốn về tiêu hóa hơn các nhóm khác, tuy vậy, trong một số trường hợp có thể làm đau quặn bụng thoáng qua, bị sôi bụng hoặc tiêu chảy. Gặp các tình huống này, chỉ cần giảm liều thuốc thì sẽ khỏi các triệu chứng.
Thuốc kìm hãm nhu động ruột (dùng phổ biến là loperamid) có tác động chủ yếu lên nhu động ruột, thường được chỉ định cho trường hợp tiêu chảy không phải do nguyên nhân vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Do đặc tính kìm hãm nhu động ruột nên thuốc loperamid có thể gây táo bón. Riêng với trẻ em, cần thận trọng cho sử dụng loperamid vì thuốc có thể gây liệt ruột.
Thuốc nhuận tràng
Những người bị táo bón phải sử dụng thuốc nhuận tràng để can thiệp nhưng thuốc có thể gây ra tác dụng không mong muốn thông thường là tiêu chảy. Cơ chế gây ra tiêu chảy do thuốc nhuận tràng là tăng tiết dịch của niêm mạc ruột hoặc do tăng thẩm thấu. Tình trạng tiêu chảy có thể xảy ra bột phát nhất thời cho người sử dụng mỗi khi uống thuốc nhuận tràng nhưng cũng có thể trở thành bệnh lý. Triệu chứng này dễ xảy ra ở những người lạm dụng thuốc, thường xuyên dùng thuốc nhuận tràng. Thực tế tất cả các loại thuốc nhuận tràng đều có thể gây nên phản ứng này như: thuốc có các muối magnesie gồm sulfat, citrat hoặc chlorid; sorbitol, mannitol, lactulose, các anthraquinon… Tác dụng phụ dễ nhận thấy do thuốc nhuận tràng gây hại cơ quan tiêu hóa là: tiêu chảy kéo dài, phân lẫn nhiều nước… Ở trường hợp sử dụng thuốc anthraquinon, khi soi đại tràng có thể thấy niêm mạc ruột bị sạm đen, đôi khi phát hiện có cả những nốt loét trợt.
Lời khuyên của thầy thuốc
Các bệnh tiêu hóa rất đa dạng, các biểu hiện về tác dụng phụ của thuốc cũng rất phong phú, có thể do tác dụng của thuốc hoặc do liều lượng sử dụng. Vì vậy, để an toàn khi dùng thuốc, khi mắc bệnh về đường tiêu hóa, người bệnh không được tự ý mua thuốc điều trị mà phải đi khám bác sĩ để được kê đơn, tư vấn và hướng dẫn việc sử dụng thuốc. Tuyệt đối không sử dụng đơn thuốc của người khác sẽ không đúng bệnh đúng thuốc, bệnh không khỏi mà dễ gặp nhiều tác dụng phụ hơn.