Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Trong các vụ dịch cúm hàng năm, 5-15% dân số bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
Với triệu chứng sốt, đau đầu, họng mỏi nhức cơ khớp cho thấy bạn đã bị cúm. Vì thế, bạn tham khảo loại thuốc chữa trị bệnh cúm hiệu quả dưới đây nhé.
Sự nguy hiểm của bệnh cúm
Virut cúm (Influenza virut) thuộc nhóm orthomyxoviridae và được chia thành 3 týp A, B và C. Vỏ của virut bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemaglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase). Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân týp khác nhau của virut cúm A. Ví dụ như cúm A/H5N1, H1N1, H7N9…
Cấu trúc virut cúm.
Vì bản chất của virut cúm là lipoprotein nên virut cúm có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia tử ngoại, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560C và các chất hòa tan lipid như ether, beta-propiolacton, formol, chloramine, cresyl, cồn… Tuy nhiên, virut cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh và độ ẩm thấp.
Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Trong các vụ dịch cúm hàng năm, 5-15% dân số bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Bệnh nặng và tử vong xảy ra chủ yếu ở những nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Các thuốc điều trị hiện nay
Các thuốc hiện có mới chỉ dừng lại ở mức độ kháng virut theo cơ chế gây trở ngại cho sự gắn của virut vào màng tế bào vật chủ và đi vào trong tế bào vật chủ, ức chế sự sao chép hoặc giải mã các ARN hoặc ảnh hưởng đến chu trình phát triển hoặc nhân lên của virut. Một số thuốc sau được chỉ định sử dụng:
Amantadine: Thuốc tác dụng ở giai đoạn ức chế sự hòa nhập virut vào bên trong tế bào ký chủ. Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như bồn chồn lo lắng, chóng mặt, mất ngủ…
Rimantadine cùng có cơ chế tác dụng như amantadine nhưng ưu việt hơn do khả năng xâm nhập vào dịch đường hô hấp hiệu quả hơn amantadine đồng thời lại ít tác dụng phụ đặc biệt là tác dụng trên hệ thần kinh trung ương hơn so với amantadine. Ngoài ra, những tác dụng bất lợi của rimantadine có thể dễ chấp nhận hơn cho người già.
Cả hai loại thuốc này thường được chỉ định để điều trị cúm A và có hiệu quả làm giảm khoảng 50% thời gian bị bệnh, giảm các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả hơn khi dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng trên virut cúm B và không có tác dụng trên cúm có biến chứng và thực tế điều trị cũng đã xác nhận khả năng kháng thuốc của virut cúm.
Ribavirin: Thuốc có tác dụng ở giai đoạn 2, tức là ngăn cản virut cúm tổng hợp RNA của nó, từ đó ức chế sự sao chép của nó bên trong tế bào.
Oseltamivir (biệt dược là tamiflu): Thuốc có tác dụng ở giai đoạn cuối, tức là ngăn không cho virut cúm sao chép trưởng thành và phóng thích ra khỏi tế bào bằng cách ức chế men neuraminidase (chính là kháng nguyên N của lớp vỏ virut cúm). Oseltamivir có tác dụng kìm hãm được cả virut cúm A và cúm B. Trên lâm sàng, oseltami virut ngắn thời gian bị bệnh và liều lượng kháng sinh phải dùng giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, vì thuốc chỉ hạn chế sự phát triển của virut nên không có tác dụng trên các thương tổn đã xảy ra và chỉ có tác dụng trong vòng 2 ngày đầu sau khi có triệu chứng đầu tiên mà không có tác dụng khi virut đã gây thương tổn. Nếu sử dụng muộn, không những không có tác dụng điều trị mà còn tạo điều kiện thuận lợi để virut kháng thuốc.
Ngoài các thuốc kể trên, một số chế phẩm sinh học như gamma globulin và interferon cũng có tác dụng kháng virut. Gamma globulin ngăn virut xâm nhập vào tế bào vì có chứa kháng thể chống lại kháng nguyên bề mặt nằm trên lớp vỏ của virut. Còn interferon kháng virut bằng cách ngăn cản virut tổng hợp protein, RNA hoặc DNA của nó trong tế bào.
Gần đây, Trung Quốc đã phê duyệt thuốc peramivir, một loại thuốc chống cảm cúm mới được cho là có khả năng điều trị hữu hiệu virut cúm gia cầm H7N9. Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Trung Quốc cho biết, peramivir là thuốc ức chế neuraminidase mạnh, được dùng dưới dạng tiêm, có khả năng chống virut cúm H7N9. Tuy nhiên, thuốc này hiện chưa được các quốc gia khác thử nghiệm và kiểm chứng.