Từ một phòng cũ kĩ hơn 100 năm tuổi, một công ty thiết kế tại San Francisco đã “hô biến” thành một không gian sống nhỏ nhắn sáng sủa khiến nhiều người bất ngờ.
Sử dụng thiết kế giản đơn, mộc mạc, đội ngũ thiết kế đã “hô biến” một căn phòng cũ kĩ hơn 100 năm tuổi thành một nhà khách 9m² mộc mạc với sắc nâu trầm khiến ai cũng yêu thích.
“Căn nhà” nhỏ nhắn này có diện tích rất khiêm tốn, chưa đến 9m2.
Được biết, ban đầu, căn phòng thuộc khu công trình phụ của một tòa nhà lớn hơn, vốn là một tiệm giặt là được xây dựng từ năm 1916. Có diện tích 2,5m x 3,5m, căn phòng này từng là nơi chứa nồi hơi, cung cấp nhiệt năng cho tiệm giặt.
Căn phòng nhìn từ phía bên hông.
Tuy nhiên, khi tòa nhà này được sửa chữa để thay đổi mục đích sử dụng, khu vực chính của tiệm giặt được chuyển đổi thành một xưởng gỗ và kim loại, còn căn phòng này được “hô biến” thành một nhà khách nhỏ.
Azevedo Design đã cải tạo phòng nồi hơi cũ thành một không gian sống gồm một phòng khách, một phòng bếp và một phòng ngủ riêng nằm trên gác lửng.
Ngoại thất căn nhà không thay đổi quá nhiều, ngoại trừ phần tường ốp đồng cho phần gác lửng
Ngoại thất căn nhà không thay đổi nhiều. Bức tường gạch được giữ nguyên, đem đến diện mạo mộc mạc, vintage ở tầng một. Phần gác lửng phía trên tòa nhà sử dụng tường ốp đồng, tạo điểm nhấn cho diện mạo.
Phòng bếp và phòng ngủ được “ngăn cách” bằng kính chịu lực trong suốt
Bên trong ngôi nhà, các bức tường gạch vẫn được giữ nguyên. Những thanh mái cũ bằng gỗ được tận dụng làm bệ đỡ cho phòng ngủ ở tầng lửng. Kính trong suốt được sử dụng để ngăn cách giữa không gian ở tầng trệt và tầng lửng, giúp tăng hiệu ứng thị giác, tránh cảm giác gò bó, bí bách cho toàn bộ không gian.
“Vách ngăn” trong suốt giữa không gian nhà bếp và phòng ngủ giúp tăng hiệu ứng thị giác, giúp căn nhà trở nên thoáng đãng hơn dù có diện tích nhỏ hẹp.
Đại diện của studio, nhà sáng lập Christi Azevedo đã chia sẻ rằng, nền kính trong suốt của tầng lửng là “lựa chọn bắt buộc” của đội ngũ, vì diện tích hạn chế của ngôi nhà. Cô cũng cho biết, bức tường kính này vừa giúp tách biệt không gian phòng bếp bên dưới với phòng ngủ, nhưng đồng thời, giúp “lằn ranh ngăn cách” giữa hai không gian này trở nên “như có như không” khiến không gian dường như được nhân rộng hơn.
Khu vực phòng bếp được trang bị một bàn ăn được thiết kế riêng, tủ bếp được làm bằng chất liệu acrylic nhám, mặt bàn bếp được làm bằng thép không gỉ. Đặc biệt, bàn bếp được ghép một đầu vào cầu thang lên phòng ngủ, có thể gập gọn lại khi không sử dụng.
Tất cả nội thất đều được lựa chọn kĩ càng để hài hòa với tổng thể mộc mạc của ngôi nhà, với màu chủ đạo là nâu trầm.
Trong phòng khách, ghế sofa được làm từ khung thép, bọc vải phủ nhăn được đặt dưới chân cầu thang. Những chất liệu được sử dụng trong thiết kế ngôi nhà, bao gồm vải gối, vải bọc sofa… được lựa chọn kĩ càng để giữ được tổng thể phong cách mộc mạc của ngôi nhà.
Cầu thang bằng kim loại được sử dụng làm lối dẫn lên phòng ngủ
Phòng ngủ trên tầng lửng được kết nối với không gian bên dưới bằng một cầu thang bằng kim loại. Trên gác lửng, mặt sàn được chia ra làm hai khu vực riêng biệt. Khu vực sàn gỗ vừa đủ cho một chiếc giường đôi dạng nệm. Khu vực xung quanh còn lại sử dụng kính chịu lực để giúp không gian nhỏ hẹp “dễ thở” hơn.
Dù chỉ có diện tích hạn chế, không gian trên tầng lửng vẫn đảm bảo cung cấp đủ các tiện nghi cơ bản.
Phía đầu giường, các không gian lưu trữ đồ đạc được bố trí khéo léo trong các ngăn âm tường. Đồng thời, thay vì xếp đặt các tủ đầu giường, đèn ngủ đã được thiết kế dạng treo dọc để tiết kiệm không gian. Một khu vực thay đồ với tủ quần áo từ gỗ óc chó và khu vực phòng tắm kết hợp nhà vệ sinh cũng được bố trí trên gác lửng, đảm bảo cung cấp đủ tiện nghi cơ bản cho người dùng.