Viêm gân là tình trạng bao gân bị viêm dày lên, cấu trúc các sợi trong gân bị những chấn thương nhỏ (vi chấn thương) do vận động quá tải.
Viêm gân là bệnh do quá trình lao động, hoạt động thể thao gây nên. Vì thế, bạn cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng trị bệnh viêm gân mãn tính dưới đây nhé.
Càng lúc càng đau
Gân được cấu tạo bởi những sợi gân nhỏ và bọc bằng bao gân. Khi chơi thể thao quá sức, lao động quá mức… những sợi gân bên trong bị tổn thương nhưng bên ngoài bao gân vẫn bình thường. Lúc này, “đương sự” sẽ cảm thấy đau, nhưng nghỉ ngơi một thời gian thì hết. Riêng trường hợp viêm gân mạn tính (VGMT) thì khác, cơn đau ập đến mỗi giờ, mỗi ngày… Viêm gân là tình trạng bao gân bị viêm dày lên, cấu trúc các sợi trong gân bị những chấn thương nhỏ (vi chấn thương) do vận động quá tải.
Tình trạng viêm này là cơ chế tự hồi phục của cơ thể. Các sợi gân bị tổn thương sẽ xuất huyết, các tế bào bạch cầu tìm đến “ăn” và tiêu hủy các mô chất và tạo mô mới. Quá trình này viêm nhưng không có vi trùng và cũng là cách mà cơ thể tự điều trị. Thông thường, quá trình “dọn dẹp” của bạch cầu và “tự trị bệnh” kéo dài trong một-hai tuần là kết thúc. Người bệnh không còn đau nhức nữa, nhưng nếu vết thương chưa lành mà lại bị chấn thương tiếp, giống như nhà dột vừa sửa chưa xong đã gặp mưa và dột thêm chỗ mới, nhiều lần như vậy, dẫn đến VGMT khó phục hồi. Chấn thương trên nền gân bị tổn thương có thể khiến người bệnh…sụm luôn!
Dễ lầm với bệnh khác
Trong thực tế, VGMT dễ bị nhầm với các bệnh khác. Trường hợp VGMT chóp xoay vai, bệnh nhân sẽ thấy đau khi trời lạnh, lúc gần sáng. Không điều trị thì sẽ thấy các triệu chứng gây khó khăn trong sinh hoạt thường ngày như: không cài được dây lưng của áo ngực, khó cột tóc… Do đa phần người bị VGMT từ tuổi trung niên trở lên nên cũng hay “đổ tội” cho bệnh thoái hóa cột sống cổ, chỉ đến khi chụp phim mới biết do VGMT. BS Phan Vương Huy Đổng – Hội Y học thể thao TP.HCM lưu ý các đặc điểm nhận dạng phân biệt VGMT với đau do thoái hóa đốt sống cổ như sau:
Biểu hiện của VGMT:
– Đau có tính chất kéo dài, lặp đi, lặp lại…
– Đau liên tục và đau ngay điểm ấn.
– Đau khi kéo căng, khi chịu lực nặng.
– Đau khi bị đối lực (tay nâng lên, hoặc tay người khác đè xuống).
– Đau tại chỗ khi viêm.
Đau do thoái hóa đốt sống cổ:
– Đau theo đường dây thần kinh, tê từ cổ xuống cánh tay, cẳng tay, và ngón tay… tùy vào dây thần kinh bị chèn ép mà số ngón tay bị tê khác nhau.
– Khi thực hiện những biện pháp cúi gập, xoay cơ quá mức, đau do dây thần kinh chèn ép.
– Đặc biệt đau nhiều khi nằm gối cao hay gắng sức.
Ngoài ra, VGMT còn xuất hiện tại các vị trí khác như:
– Viêm khuỷu tay người chơi tennis. Thực tế cho thấy, các cô nội trợ có thâm niên cũng bị giống hệt. Nếu đàn ông đau không thể giơ ly để “dzô dzô” thì phụ nữ cũng khó mà cầm chảo khi làm bếp.
– Đôi chân bỗng đau khi bước từ giường xuống sàn. Có nhiều nguyên nhân gây đau, trong đó có VGMT gân gót (đau vùng sau gót), viêm cân gan chân (đau vùng gan chân)…
Tóm lại, việc điều trị VGMT đòi hỏi phải được định bệnh đúng, dùng thuốc, tập vật lý trị liệu giúp căng dãn gân, cân, xoa bóp và đeo dụng cụ (nếu bệnh nặng)… Bệnh không gây tử vong, nhưng có khả năng “khóa” các hoạt động khiến người bệnh chẳng khác gì tàn phế. Vì vậy, bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt.