Khi giác mạc bị viêm loét sẽ dẫn đến các di chứng và biến chứng như sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt cua và làm giảm thị lực, thậm chí mù loà.
Giác mạc là một mảnh mô mỏng, trong suốt nằm phía trước con ngươi mắt, có nhiệm vụ bảo vệ mắt và góp phần vào hoạt động khúc xạ của mắt. Vì là một lớp rất mỏng, lại là bộ phận đầu tiên của mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên giác mạc rất dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut hoặc nấm xâm nhập.
Khi giác mạc bị viêm loét sẽ dẫn đến các di chứng và biến chứng như sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt cua và làm giảm thị lực, thậm chí mù loà. Đây là loại bệnh có nguy cơ gây mù khá cao, chỉ sau bệnh đục thủy tinh thể và glôcôm.
Tại sao giác mạc bị viêm?
Nguyên nhân gây viêm loét giác mạc thường do sau một chấn thương trong sinh hoạt, lao động như bị bụi, côn trùng, mảnh kính vỡ nhỏ bắn vào mắt;… hạt thóc, lá lúa, cọng rơm, bụi đá mài, cành cây quệt vào mắt,…
Sau các bệnh lý như: viêm kết mạc, hở mi, do liệt thần kinh, rối loạn chuyển hoá, viêm loét giác mạc do thiếu vitamin A (thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng); Hoặc do dùng kính sát tròng không đúng cách, tự ý dùng thuốc nhỏ mắt kéo dài mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa…
Biểu hiện nhận biết
Người bệnh bị viêm loét giác mạc sẽ có các biểu hiện sau:
– Đau nhức mắt: Mắt đau nhức nhối âm ỉ, từng lúc dội lên, bất cứ một tác động nào cũng làm tăng cảm giác đau (ánh sáng, va chạm).
– Chảy nước mắt: Khi người bệnh tự mở mắt, hoặc vành vi mắt nước mắt sẽ chảy ràn rụa.
– Chói, sợ ánh sáng: Người bệnh luôn nhắm nghiền mắt, mi mắt nhắm chặt lại. Trẻ nhỏ thì luôn chúi đầu vào lòng mẹ, không dám mở mắt.
– Mắt nhìn mờ: Thị lực giảm tuỳ theo mức độ của bệnh
– Mắt đỏ, đặc biệt đỏ nhiều quanh tròng đen. Đôi khi sẽ thấy một ngấn mủ màu trắng ở trước tròng đen.
– Xuất hiện đốm trắng to hay nhỏ ở trên giác mạc, nhưng thường ở trung tâm giác mạc.
Bệnh viêm loét giác mạc nếu tiến triển nặng, vết loét càng rộng sẽ dẫn đến biến chứng như sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt cua, giảm thị lực thậm chí mù lòa nếu không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách.
Cần phát hiện và điều trị sớm
Tuy bệnh viêm loét giác mạc sau khi điều trị khỏi vẫn thường để lại di chứng, đó là các vết sẹo đục, trắng làm cho giác mạc mất tính trong suốt nhưng việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp giảm di chứng, cải thiện tốt thị lực.
Sẹo giác mạc mỏng hay dày, to hay nhỏ phụ thuộc tình trạng nặng nhẹ của bệnh. Nếu bệnh nhẹ sau khi khỏi sẽ để lại sẹo mỏng, nông ít ảnh hưởng đến thị lực. Nếu bệnh nặng hơn sẽ để lại sẹo đục, dày, rộng không những làm thị lực mờ đi mà còn gây ra viêm loét tái phát, đặc biệt khi cơ thể giảm sức đề kháng.
Người bệnh có các triệu trứng của viêm loét giác mạc khi đến cơ sở y tế sẽ được các bác sĩ chuyên khoa mắt khám và làm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp.
Phòng viêm loét giác mạc như thế nào?
Theo thống kê của các cơ sở y tế chuyên khoa mắt các bệnh nhân bị viêm loét giác mạc nguyên nhân thường do chấn thương trong sinh hoạt và lao động bị bụi, dị vật, côn trùng, cành cây, hạt lúa… văng vào mắt, người bệnh không biết cách xử trí, dụi mắt liên tục khiến giác mạc bị tổn thương (trầy xước) tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut hoặc nấm xâm nhập gây viêm loét.
Ngoài ra một số người bệnh bị viêm kết mạc, đau mắt hột đã tự ý dùng thuốc nhỏ mắt mà không chỉ định của bác sĩ chuyên khoa hoặc lạm dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc nhỏ mắt có chứa prednisolon, dexamethason hay hydrocortison khiến bệnh ngày càng nặng gây thủng, hoại tử giác mạc, gần như mù lòa… Do đó cách phòng tránh các tác nhân gây bệnh và điều trị các bệnh lý về mắt có thể dẫn đến viêm loét giác là vô cùng quan trọng
Trong sinh hoạt và lao động sản xuất, đặc biệt là thời điểm ngày mùa như hiện nay, bà con nông dân khi gặt lúa, sử dụng máy tuốt lúa cần chú ý: Tránh để hạt lúa văng vào mắt hay lá lúa quệt vào mắt, nên sử dụng kính bảo vệ mắt khi dùng máy tuốt lúa.
Khi ra đường nên đeo kính để tránh bụi, dị vật, côn trùng bay vào mắt. Nếu chẳng may bị dị vật, côn trùng bay vào mắt không nên dụi mắt liên tục mà ngay lúc đó cần nhúng mắt trong một cốc nước sạch và nháy liên tục dị vật nhỏ hoặc côn trùng có thể sẽ trôi ra.
Nếu cảm thấy vẫn còn dị vật trong mắt, mắt cộm, ngứa, đỏ, chảy nước mắt, đau nhức cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt để các bác sĩ kiểm tra. Tuyệt đối không nên dùng các loại lá cây, côn trùng đắp vào mắt theo mách bảo sẽ rất nguy hiểm.
Khi được khám xác định là viêm loét giác mạc người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và tái khám theo định kỳ để phòng ngừa bệnh tái phát. Vì thường sau mỗi lần viêm loét tái phát, sẹo giác mạc sẽ dày hơn và thị lực giảm nhiều hơn so với lần trước hoặc có thể tiến triển trầm trọng hơn.
Nếu bị các bệnh về mắt như viêm kết mạc (đau mắt đỏ), lông quặm,… người bệnh cần đi khám để được điều trị đúng cách, tránh biến chứng dẫn đến viêm loét giác mạc.