Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, bệnh tăng nhãn áp xuất hiện khi áp lực tăng lên trong mắt và là nguyên nhân lớn thứ hai gây mù trên toàn thế giới, ảnh hưởng tới 58 triệu người. Tình trạng bệnh về mắt này đang gia tăng trên toàn cầu.
Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, những người uống trà nóng hàng ngày ít có nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp so với những người khác.
Kết quả nghiên cứu được công bố trong Tạp chí Nhãn khoa Anh cho thấy, so với các nhóm người uống cà phê, nước giải khát và trà đá, nhóm người uống từ một cốc trà nóng chứa caffein trở lên mỗi ngày có tỷ lệ mắc bệnh tăng nhãn áp thấp hơn 74%. Từ đó nghiên cứu cho rằng, uống trà nóng hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp.
TS. Anne Coleman (Đại học California, Los Angeles), tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Tăng nhãn áp có thể dẫn đến mù lòa. Đến nay chưa có phương pháp điều trị chứng bệnh này. Cách điều trị tốt nhất là phòng ngừa”.
Trao đổi với Reuters, Tiến sĩ Coleman nói: “Khám mắt thường xuyên là cách ngăn chặn bệnh tăng nhãn áp tốt nhất. Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến những thói quen trong cuộc sống và cần làm gì để tạo sự thay đổi”.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, bệnh tăng nhãn áp xuất hiện khi áp lực tăng lên trong mắt và là nguyên nhân lớn thứ hai gây mù trên toàn thế giới, ảnh hưởng tới 58 triệu người. Tình trạng bệnh về mắt này đang gia tăng trên toàn cầu.
Theo Tổ chức nghiên cứu bệnh Tăng nhãn áp, trong số hơn 3 triệu người Mỹ bị bệnh tăng nhãn áp, chỉ một nửa trong số đó biết mình mắc bệnh.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Coleman dẫn đầu viết, trước đây cà phê hay caffeine nói chung đều liên quan đến nguy cơ gia tăng bệnh tăng nhãn áp, nhưng những nghiên cứu gần đây không đồng ý với quan điểm này.
Để đánh giá mối quan hệ giữa thức uống có chứa caffein và bệnh tăng nhãn áp, Coleman và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu của hơn 10.000 người ở Mỹ – đại diện cho toàn bộ dân số. Những người tham gia khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia (NHANES) năm 2005 – 2006 đã trả lời những câu hỏi về chế độ ăn và lối sống của họ. Nhóm nghiên cứu cũng thu thập kết quả khám sức khỏe, xét nghiệp máu và các lần khám mắt của những người tham gia khảo sát.
Kết quả cho thấy, có khoảng 1.700 người tham gia trên 40 tuổi có kiểm tra mắt trong cuộc khảo sát. Trong nhóm này, các nhà nghiên cứu thấy tỷ lệ người bị tăng nhãn áp ở mức thấp, chỉ hơn 5%, khoảng 82 người.
Để xác định loại đồ uống có mối liên hệ nào với nguy cơ tăng nhãn áp hay không, nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của NHANES, trong đó bao gồm thông tin về mức độ tiêu thụ cà phê, trà hoặc nước giải khát của những người tham gia khảo sát trong 12 tháng qua.
Theo đó, số người thích uống cà phê nhiều hơn uống trà nóng, nhưng chỉ uống trà nóng chứa caffein hàng ngày giúp làm giảm nguy cơ bệnh tăng nhãn áp.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, không có sự liên quan giữa cà phê, trà đá, trà có chứa caffein hoặc nước giải khát với khả năng bị tăng nhãn áp.
Tiến sĩ Coleman nói: “Nếu có thói quen uống trà thì nên tiếp tục uống và không cần phải dừng lại vì sợ bệnh tăng nhãn áp”. Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý nghiên cứu này không chứng minh được nguyên nhân và hậu quả mà chỉ đưa ra mối liên hệ giữa uống trà nóng hàng ngày và nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp. Điều này có thể được xem xét trong những nghiên cứu ở tương lai.
Tuy không nằm trong nhóm tác giả nghiên cứu nhưng Idan Hecht (Đại học Tel-Aviv ở Israel) cũng cho rằng các nghiên cứu trong tương lai có thể xem xét các thói quen, hoạt động thể chất, dinh dưỡng có ảnh hưởng tới lối sống và nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp như thế nào.
Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng vitamin C, E và kẽm có thể giúp cải thiện tầm nhìn. Hecht cũng lưu ý, các nghiên cứu khác cho thấy chất chống oxy hoá trong trà có thể cho những tác dụng tương tự.
Hecht nói: “Bệnh nhân có thể tham gia và nên đóng vai trò tích cực trong việc kiểm soát bệnh tật của họ. Tập thể dục, ăn uống lành mạnh và thử các cách mới để nâng cao sức khỏe là điều họ nên khám phá và đưa ra thảo luận với bác sĩ”.
Còn theo Tiến sĩ Ahmad Aref (Đại học Illinois, Chicago), các tác nhân môi trường có thể đóng vai trò trong việc tăng nguy cơ tăng nhãn áp. Ông nói với Reuters rằng: “Khi dân số già đi, chúng ta cần nghĩ về các yếu tố có thể giúp ích khác, đặc biệt như lợi ích của vận động thể chất với sức khỏe”.
Nhìn chung, cả hai phương pháp tiếp cận bằng y học và ngoài phạm vi của y học đều là chìa khóa để điều trị bệnh tật trong tương lai, Aref nói thêm.
Ông Aref cho biết: “Tăng nhãn áp là một căn bệnh gay go vì chúng ta không thể lấy lại thị lực sau khi đã mất đi. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là ngăn ngừa khả năng bệnh có thể tiến triển nặng hơn, và chúng tôi muốn giúp bệnh nhân làm điều đó”.