Vì hình dạng kì lạ (phần cổ dài, đầu tròn và mỏ nhọn), người dân bản xứ còn đặt biệt danh loài sinh vật này là “móng tay của Lucifer”
Thiên nhiên vùng Costa Vicentina ở Bồ Đào Nha tặng cho nơi này một loại hải sản ngon và hiếm có, gọi là đằng hồ hay ốc cổ ngỗng. Vì hình dạng kì lạ (phần cổ dài, đầu tròn và mỏ nhọn), người dân bản xứ còn đặt biệt danh loài sinh vật này là “móng tay của Lucifer”
Cũng xuất hiện tại một số vùng biển khác như Canada nhưng đằng hồ được coi là đặc sản quý hiếm của Bồ Đào Nha. Tại nhà hàng, mỗi đĩa có giá khoảng 100 euro.
Đặc biệt, đằng hồ sống trong vùng biển dữ và không thể nuôi nhân tạo. Do đó, nhiều thợ lặn liều lĩnh, chấp nhận đánh đổi mạng sống để có thể bắt loài sinh vật này tại vùng duyên hải phía tây nam của Bồ Đào Nha.
“Thậm chí một ngày tồi tệ trên biển còn tốt hơn một ngày tuyệt vời trong công sở. Đại dương luôn chứa đầy những điều ngạc nhiên kỳ diệu”, Fernando Damas, thợ lặn chuyên bắt đằng hồ, chia sẻ. 19 năm trước, ông từ bỏ công việc nhiều người mơ ước trong ngành thiết kế công nghiệp để theo đuổi công việc hiện tại
Người dân ở vùng Costa Vincentina thường nói: “Đừng bao giờ quay lưng với Thượng Đế khi bạn lặn tìm những ngón tay quỷ”. Giải thích ý nghĩa của câu nói này, Joao Rosario, thợ lặn chuyên nghiệp, cho rằng “Thượng Đế” ở đây ám chỉ biển cả.
“Khi lặn tìm đằng hồ và quay lưng với sự khó lường của biển, trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ bị thương hoặc mất mạng. Nhiều thợ lặn đã bất tỉnh và chết đuối. Những người may mắn thoái chết thì bị gãy chân, tay hoặc trầy trụa vì bị đá cắt”, Rosario cho hay.
Để bắt đằng hồ, thợ lặn phải trèo xuống những vách đá hoặc lái thuyền tiếp cận. Hiện tại, chưa có ý kiến thống nhất xem cách nào ít nguy hiểm hơn. Với cách thứ nhất, người ta phải đu dây xuống vách núi dựng đứng tầm 100 m. Nếu không bám chắc vào bề mặt đá, họ có thể ngã hoặc bị những con sóng lớn đánh văng, va đập vào đá.
Trong khi đó, với cách thứ 2, thợ lặn phải neo thuyền ở vị trí cách vách đá một khoảng an toàn rồi bơi tới bề mặt vách đá. Họ phải tính toán thời điểm thích hợp để đục, bắt đằng hồ theo thời gian lên, xuống của thủy triều.
Thợ săn đằng hồ phải làm việc theo cặp, nhóm để đảm bảo an toàn. Người này phải tin tưởng và trao sự sống của mình cho người kia.
Damas làm việc cùng với Tiago Craca, một thợ lặn trẻ hơn trong hơn 6 năm. Họ phối hợp nhịp nhàng, cùng quyết định ngày nào nên đi, khi nào là lúc an toàn để lặn. Kể về một kỷ niệm đáng nhớ, Damas cho biết Craca từng cứu mạng ông. “Hôm đó, tôi bị mất tập trung và không nhìn thấy ngọn sóng lớn ập đến. Bàn chân tôi bị kẹt. May mắn là cậu ấy phát hiện nên nhảy xuống tìm”, ông nói.
Bồ Đào Nha quản lý việc săn đằng hồ rất chặt chẽ. Giới chức kiểm soát toàn bộ hoạt động lặn từ thị trấn Villa do Bispo, nơi đặt trụ sợ Hiệp hội Đằng hồ Bồ Đào Nha. Chỉ 80 giấy phép được cấp mỗi năm và hầu hết dành cho thợ lặn địa phương hoặc ở thị trấn Sagres kế bên.
Theo Paulo Barata (Chủ tịch Hiệp hội Đằng hồ Bồ Đào Nha), chợ cá địa phương ở thị trấn Sagres là nơi duy nhất các thợ lặn được phép bán đằng hồ hợp pháp. Mỗi thợ lặn không được bắt quá 15 kg/ngày. Mức giá loại hải sản này dao động khoảng 30-60 euro/kg, tùy theo chất lượng và kích cỡ.
Bất chấp các quy định ngặt nghèo, hoạt động săn bắt trộm đằng hồ vẫn xảy ra. Đây là một ngành màu mỡ và cảnh sát biển không thể tuần tra khắp nơi. Hơn nữa, hoạt động khai thác diễn ra khá bí mật ngay cả với những thợ lặn có giấy phép. Họ không chia sẻ thông tin về địa điểm khai thác của mình bởi đằng hồ là món đặc sản quý hiếm và khó tìm.
“Tôi chẳng quan tâm đến luật lệ. Costa Vicentina thuộc về nhân dân chứ không phải chính quyền. Đằng hồ là máy rút tiền trên biển của chúng tôi. Chúng tôi có quyền lấy tiền của mình”, một người săn bắt trộm ở thị trấn Portimao, cách thị trấn Sagres 55 km về phía đông, nêu quan điểm.