Quan tâm đến chế độ ăn uống, ăn đầy đủ dưỡng chất bổ sung các loại vi chất như calci, vitamin D và protein, tập luyện đều đặn, tránh xa khói thuốc lá và những đồ uống có cồn… là những cách hữu hiệu giúp bạn phòng ngừa nguy cơ bị căn bệnh này “hỏi thăm”.
Bệnh loãng xương không chỉ có ở người cao tuổi mà còn có ở những người trẻ, tuy nhiên một vài cách nhận định của bạn đã thật sự chính xác?
1. Loãng xương chỉ viếng thăm người lớn tuổi
Mặc dù những dấu hiệu của chứng bệnh loãng xương chỉ xuất hiện sau khi bạn trải qua độ tuổi 50 nhưng thực chất loãng xương là một chứng bệnh có quá trình diễn tiến khá lâu dài. Bệnh có thể bắt đầu phát triển từ khi bạn còn trẻ.
Những lý do hàng đầu khiến bạn dễ mắc chứng bệnh loãng xương đó là chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu những vi chất quan trọng, không hoặc rất ít khi luyện tập, chế độ sinh hoạt không khoa học, bạn nghiện thuốc lá…
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mật độ của xương phát triển nhanh chóng nhất trong giai đoạn độ tuổi từ 10-20 và đạt mức tối đa khi bước vào độ tuổi 30. Sau độ tuổi này thì mật độ của xương bắt đầu suy giảm và vì thế kể từ thời điểm này trở đi các bác sĩ khuyên bạn nên có nhiều “hành động thiết thực” để làm chậm quá trình này.
Quan tâm đến chế độ ăn uống, ăn đầy đủ dưỡng chất bổ sung các loại vi chất như calci, vitamin D và protein, tập luyện đều đặn, tránh xa khói thuốc lá và những đồ uống có cồn… là những cách hữu hiệu giúp bạn phòng ngừa nguy cơ bị căn bệnh này “hỏi thăm”.
2. Loãng xương chỉ nhắm tới phụ nữ
Chứng bệnh loãng xương không phân biệt giới tính vì thế dù bạn là nam giới hay nữ giới thì đều dễ có nguy cơ bị loãng xương. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng tỷ lệ mắc loãng xương ở phụ nữ cao hơn so với nam giới, cứ trong 3 phụ nữ thì có một chị em bị mắc loãng xương. Còn con số này với nam giới là cứ 8 trong 1 nam giới ở độ tuổi trên 50 bị mắc loãng xương.
3. Mắc loãng xương là do gene
Trên thực tế nếu trong gia đình bạn đã từng có người mắc bệnh loãng xương thì bạn cũng sẽ có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan rằng bạn sẽ không mắc loãng xương nếu trước đó gia đình bạn chưa có tiền sử mắc chứng bệnh này.
Như trên đã nói, loãng xương là chứng bệnh được “quy định” chủ yếu do chế độ ăn uống, sinh hoạt và luyện tập.
4. Không có thuốc điều trị loãng xương
Điều này thật sai lầm vì loãng xương hiện nay đã có thể được khống chế điều trị bằng những phương pháp mới giúp bạn kiểm soát tình trạng của bệnh và hạn chế nguy cơ bị gãy xương (hạn chế tới 65% gãy xương đốt).
Một số loại thuốc mới được chỉ định điều trị như Bisphosphonates, liệu pháp hormone và calcitonin. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được loại thuốc điều trị thích hợp với bạn.
Ngoài việc áp dụng các liệu pháp điều trị thì người mắc bệnh loãng xương sẽ được bác sĩ khuyến cáo nên áp dụng những bài tập luyện phù hợp với thể trạng để nhanh chóng cải thiện tình hình.
5. Khi bị loãng xương sẽ cảm nhận thấy xương bị yếu
Trên thực tế những người bị mắc bệnh thường không có triệu chứng và biểu hiện rõ ràng, thậm chí có những trường hợp cho tới khi bị gãy xương mới phát hiện ra mình đang mắc chứng bệnh loãng xương.
Cho nên có thể kết luận loãng xương là chứng bệnh thầm lặng, diễn ra trong một quá trình dài. Vì thế, muốn nhanh chóng phát hiện ra bệnh thì tốt nhất bạn nên tiến hành kiếm tra đo mật độ của xương mỗi năm.
6. Canxi sẽ là “thần dược” trị loãng xương
Bạn nên hiểu rằng thiếu canxi không phải là nguy cơ hàng đầu gây nên tình trạng loãng xương. Để có được một bộ xương chắc khỏe thì cần bổ sung vào cơ thể nhiều loại vi chất khác như magie, protein, axit béo, đồng, kẽm, magian, axit folic và vitamin D. Tuy nhiên, cũng xin nhấn mạnh rằng canxi là một vi chất quan trọng và không thể thiếu nếu như bạn muốn trở thành “chủ nhân” của một bộ xương chắc khỏe.
7. Chỉ người da trắng và châu Á mới bị loãng xương
Theo số liệu thống kê cho thấy những người da trắng và người châu Á là đối tượng dễ mắc chứng bệnh loãng xương hơn cả nhưng điều này không có nghĩa là những màu da khác và những người dân ở châu lục khác không bị mắc loãng xương.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng dù bạn là ai đi chăng nữa, thuộc giới tính nào thì đều có nguy cơ bị mắc loãng xương. Vậy nên ngay từ bây giờ bạn nên “lập trình” cho mình kế hoạch để phòng tránh chứng bệnh này.