Thực phẩm là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh mề đay mẩn ngứa do hiện tượng cơ thể phản ứng với các thực phẩm dễ gây dị ứng như: các loại hải sản là sò, tôm, cua, ghẹ, thịt đỏ, sữa tươi, ô mai, bia rượu…
Mề đay là bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ em và người lớn. Sau đây là 7 nguyên nhân thường gặp gây nổi mề đay mà mọi người nên biết để phòng tránh căn bệnh này hiệu quả hơn.
Mề đay có 2 loại:
– Cơn mề đay cấp tính: Bệnh biểu hiện đột ngột ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, thể hiện trên những sần, phù nề, ngứa dữ dội. Cơn xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ rồi lặn hoặc có thể từng đợt kế tiếp nhau. Trong cơn mề đay cấp có thể kèm theo sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, khó thở…
– Cơn mề đay mãn tính: Đó là khi tình trạng nổi mề đay kéo dài trên 8 tuần, không kể nhiều hay ít, có khi ngắt quãng nhiều ngày, có thể gặp các dạng khác nhau.
Ảnh minh họa
Triệu chứng của mề đay là những mảng phù màu hồng hoặc đỏ nổi cao trên mặt da, kích thước và số lượng thay đổi khác nhau, có thể ở bất cứ vị trí nào trên da, khi mề đay khỏi không để lại dấu vết gì. Sau đây là một số nguyên nhân chính gây nổi mề đay:
1. Do di truyền
Di truyền chiếm 40% nguyên nhân gây nên bệnh dị ứng nổi mề đay, nếu trong gia đình có người thân bị mắc phải bệnh nổi mề đay thì những thế hệ sau có tỷ lệ mắc phải bệnh này cao hơn, đó là do cùng cơ địa.
2. Do nhiễm khuẩn, ký sinh trùng
Các loai vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng trú ngụ và xâm nhập vào cơ thể cũng sẽ gây ra nổi mề đay. Do vậy khi nhận thấy các dấu hiệu bị nổi mề đay ngứa bạn cần chú ý xem mình có đang bị nhiễm các loại giun như giun kim, giun đũa, giun lươn, giun chỉ, sán hay không… Hoặc những người bị nhiễm virut viêm gan B, C cũng có nguy cơ gặp phải các cơn nổi mề đay mẩn ngứa.
3. Do dị ứng thuốc tây
Hầu hết các loại thuốc tây y điều trị bệnh như các loại kháng sinh, thuốc giảm đau, kháng viêm, gây mê, thuốc trị đau nhức xương khớp, thuốc ngừa thai, thậm chí là cả vắc xin,…. đều có thể gây ra tác dụng phụ là dị ứng mẩn ngứa. Bệnh mề đay có thể xuất hiện ngay sau lần đầu bạn dùng thuốc hoặc cách đó từ 5-10 ngày.
4. Do thực phẩm
Thực phẩm là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh mề đay mẩn ngứa do hiện tượng cơ thể phản ứng với các thực phẩm dễ gây dị ứng như: các loại hải sản là sò, tôm, cua, ghẹ, thịt đỏ, sữa tươi, ô mai, bia rượu…
Để nhận biết được nguyên nhân nổi mề đay mẩn ngứa có phải do thực phẩm hay không, bạn nên chú ý hơn tới thời điểm sau khi ăn các loại thực phẩm kể trên. Cần phải nhớ rằng những thức ăn thông thường nhất, “lành nhất” cũng có thể gây bệnh.
Ngoài ra, các chất phụ gia cũng là tác nhân phổ biến có thể gây nổi mề đay. Chúng có thể là chất tự nhiên như các loại men, con giấm hoặc chất hóa học dùng để bảo quản và nhuộm màu thực phẩm.
5. Do thời tiết, môi trường
Thời tiết đột ngột thay đổi từ nóng sang lạnh khiến cơ thể chưa kịp thích ứng, dễ bị dị ứng gây nổi ngứa mẩn đỏ. Ngoài ra, môi trường ô nhiễm cũng có thể là nguyên nhân làm làn da trở nên yếu và dễ gặp phải tình trạng dị ứng ngứa.
6. Do gan bị nhiễm độc
Gan bị nhiễm độc sẽ không thực hiện chức năng lọc và đào thải chất độc ra ngoài. Khi chất độc bị giữ lại trong cơ thể bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh mề đay mẩn ngứa, nổi nhọt rất cao.
7. Do các bệnh hệ thống
Những người mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, u ác tính, cường giáp trạng… thường bị nổi mề đay kết hợp với các triệu chứng của bệnh.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như áp lực cọ xát do quần áo chật bó, do thói quen uống ít nước mỗi ngày khiến da khô, các chất độc trong cơ thể không được lọc thông qua hệ hống bài tiết cũng có thể khiến mề đay có nguy cơ xuất hiện.